Phần 2: các điều kiện cần có của sàn giao dịch bất động sản

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp khó khăn như hiện nay. Hàng loạt các sàn giao dịch BĐS trên cả nước đã đóng cửa hoặc đang “treo” đó chờ thời. Có một nguyên nhân không thể không đề cập đến là mô hình hoạt động của các sàn giao dịch BĐS tại Việt Nam khá tụt hậu và thiếu hẳn một qui trình hoạt động hoàn chỉnh.

Phần 2: Các điều kiện cần có của sàn giao dịch bất động sản?

Ảnh minh họa từ nguồn internet

Chúng ta thiếu một chuẩn mực cần thiết cho mô hình hoạt động “sàn” hiện đại đúng nghĩa. Có những yếu tố khách quan, nhưng cũng có những yếu tố được hình thành từ “văn hóa” kinh doanh BĐS được áp dụng từ môi trường kinh doanh “ăn xổi” trước đây để lại.

Muốn tạo lòng tin cho khách hàng quay trở lại với “sàn” và cải thiện được doanh số bán hàng thì mô hình hoạt động của các “sàn” và điều kiện cấp giấy phép thành lập “sàn” phải được thay đổi cho phù hợp. Cả hình thức lẫn chất lượng dịch vụ như tính chất vốn có của “sàn”.

Để cho bức tranh kinh doanh, môi giới BĐS được sáng sủa, nề nếp và hiệu quả. Trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến hai yếu tố cần được thay đổi đó là các qui định từ Nhà nước và mô hình hoạt động “sàn”.

 Các qui định từ Nhà nước

1/ Giấy phép thành lập “sàn”

Việc cấp giấy phép thành lập “sàn” như là “bộ lọc” cần thiết để loại bỏ những pháp nhân không có khả năng vẫn xin giấy phép thành lập. Những điều kiện ràng buộc khắt khe trong việc cấp giấy phép thành lập “sàn” sẽ hình thành “mặt bằng” kiến thức chuyên môn của các “sàn” đồng đều, chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS hiện đại. Mà ở đây, Bộ Xây Dựng sẽ là “kiến trúc sư” thiết kế các tiêu chí, các qui định bắt buộc mà các “sàn” phải tuân thủ trước khi được cấp giấy phép.

2/ Đào tạo

Tất cả các pháp nhân muốn xin giấy phép thành lập “sàn” bắt buộc phải tham dự khóa học giám đốc “sàn” đúng nghĩa. Tối thiểu phải có trên 120 giờ học tương đương với 40 buổi học. Với các chuyên ngành thực tế phù hợp với mô hình “sàn” hiện đại, chuyên nghiệp. Phù hợp với thực tiễn kinh doanh, môi giới BĐS tại Việt Nam và tiệm cận với mô hình hoạt động “sàn” tiên tiến của các nước có ngành công nghiệp BĐS phát triển mạnh.

Thực tế, việc học và lấy giấy giấy phép thành lập “sàn” quá dễ như hiện nay. Với số lượng tiết học quá ít, sẽ không bảo đảm được các kiến thức cần thiết cho học viên mở “sàn”. Giáo trình chưa thật phù hợp, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra. Hiện nay, có gần 100 pháp nhân được cấp giấy phép trong lĩnh vực đào tạo chuyên viên môi giới, thẩm định và thành lập sàn giao dịch BĐS trên cả nước. Do áp lực tuyển sinh và sự cạnh tranh trong đào tạo nên mức học phí khá rẻ và chất lượng đào tạo cũng sẽ tương ứng với học phí tuyển sinh (tại các nước, mỗi tiểu bang chỉ có một hoặc hai trường đào tạo chuyên ngành được cấp giấy phép).

2/ Kinh nghiệm

Yếu tố kinh nghiệm cũng là tiêu chí bắt buộc để được cấp giấy phép. Thông thường, các nước đều yêu cầu người xin giấy phép thành lập “sàn” tối thiểu phải có 2 hoặc 3 năm kinh nghiệm (tùy mỗi quốc gia) hoạt động trong lĩnh vực môi giới, kinh doanh BĐS. Có sự xác nhận của các công ty mà trước đây người xin cấp giấy phép đã làm việc và cộng tác .Chính yêu cầu về kinh nghiệm của cơ quan cấp giấy phép sẽ có được chất lượng đầu ra đồng đều, hình thành lên mặt bằng chung trong điều hành “sàn”.

3/ Lý lịch cá nhân 

Tại các nước, lý lịch cá nhân được cơ quan cấp giấy phép xác minh khá chặt chẽ trước khi được cấp phép. Có những lỗi tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến lý lịch cá nhân sau này của người xin giấy phép, như uống rượu lái xe là một thí dụ. Người xin giấy phép nếu đã từng bị truy tố ra tòa, tước giấy phép lái xe có kỳ hạn vì uống rượu, cũng là vết “chàm” và gây không ít khó khăn khi xin giấy phép. Uống rượu lái xe tại nước ngoài được coi như loại hình tội phạm bị chế tài rất nghiêm ngặt. Theo tiêu chí cấp giấy phép của các cơ quan thì giám đốc “sàn” phải có lý lịch trong sạch, đạo đức, gương mẫu. Vì giám đốc “sàn” là người giữ tiền của khách hàng và là cầu nối giao dịch của những tài sản lớn.

4/ Giao dịch các sản phẩm BĐS thông qua “sàn”

Mỗi sàn giao dịch BĐS cũng giống như các văn phòng luật sư đều phải có một tài khoản tín chấp (trust account) là qui định bắt buộc. Trust account là tài khoản dùng để cho khách hàng ký quỹ số tiền đặt cọc mua nhà hay giao dịch trong mua bán BĐS. “Chủ sàn” không được phép sử dụng với bất cứ hình thức nào trước khi được “tháo khoán” từ những chủ thể có trách nhiệm. Hầu hết tại các nước, việc người bán và người mua trực tiếp gặp nhau giao dịch là điều hiếm có. Thậm chí, sau khi nhận nhà xong, người mua cũng không biết người bán là ai ? Mặt mũi ra sao ? Vì tất cả mọi thương lượng, giao dịch, thủ tục hợp đồng đều có các luật sư, ngân hàng hai bên làm việc thông qua “sàn” (đây là lý do tại sao trong phần xét lý lịch cá nhân khó khăn và chặt chẽ trong việc cấp giấy phép thành lập “sàn”).

Qui định tất cả các sản phẩm mua bán, sang nhượng thông qua “sàn” sẽ giải quyết được rất nhiều các câu chuyện liên quan đến quản lý như: Chống rửa tiền (mua tài sản bằng tiền mặt); thất thu thuế (khai giảm giá trị BĐS); các tranh chấp trong giao dịch BĐS; hoạt động kinh doanh BĐS được minh bạch, dễ thống kê. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách phát triển BĐS sẽ điều tiết và có những giải pháp phù hợp trong qui hoạch, phát triển vùng.

5/Giấy phép hành nghề

Là giấy “thông hành” cho cả “chủ sàn” lẫn chuyên viên môi giới. Cả hai chủ thể này đều hoạt động dưới sự chế tài của hiệp hội những nhà môi giới BĐS cũng như Hiệp hội BĐS. Ở Việt Nam chúng ta có đầy đủ tất cả những qui định về giấy phép hành nghề trong lĩnh vực môi giới cũng như giám đốc “sàn”. Nhưng, thực tế thì những người không có chứng chỉ hành nghề vẫn hoạt động “tốt”. Vậy thử hỏi sao thị trường kinh doanh, môi giới BĐS không “bát nháo” cho được.

Giảng viên Huỳnh Anh Dũng CRS – Hoa Kỳ 
Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế Edureal  

Phần 2: các điều kiện cần có của sàn giao dịch bất động sản
Rate this post

Ý kiến của độc giả